Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Đánh giá và báo cáo KPI

Bạn đã hoàn thành giai đoạn đầu của thiết kế KPI, bây giờ là lúc đánh giá tính hợp lệ của chúng và đưa ra câu hỏi “Chúng đang đo lường hiệu suất làm việc tốt đến đâu?” Một lần nữa, cũng tương tự quá trình thiết kế KPQ, bước này sẽ liên quan đến rất nhiều người trong doanh nghiệp, những người trực tiếp đối mặt với các chỉ số KPI.

Đánh giá
Đối với hoạt động tài chính, thường thì hệ số tin cậy khá cao do có các công cụ đo lường được thành lập lâu đời. Đối với nhiều khía cạnh phi vật thể, có lẽ hệ số tin cậy thấp hơn. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu bạn ghi chú lại các ý kiến hay đề nghị. Cũng cần phải có một ngày hết hạn cho mỗi chỉ số KPI, cũng là ngày để sửa đổi.
Một tiêu chí đánh giá khác chính là bài kiểm tra chi phí – lợi ích. Nói cách khác, bạn nên xem xét về các chi phí và nỗ lực để giới thiệu và duy trì KPI. Các doanh nghiệp có thể sẽ hiểu sai lệch đi rằng việc đo lường không phải tốn tiền bạc hay thời gian. Tuy nhiên, một vài chỉ số có thể sẽ rất tốn kém để đo đạc để đảm bảo tính hợp lệ và phù hợp, ví dụ như chi phí hành chính, gia công, phân tích và báo cáo.

Hành vi không lành mạnh
Đôi khi, các nhân viên sẽ có những ấn tượng sai về chỉ số KPI. Họ có thể sẽ gắn chúng với tiền thưởng và lợi ích nên, sẽ cố gắng hết sức để “đạt mục tiêu nhưng bỏ qua cốt lõi vấn đề”. Vì vậy, những người thiết kế KPI cần phải suy nghĩ về những cách thức tiềm năng để phát hiện ra được những hành vi sai trái và không trung thực, để từ đó thực thi các biện pháp thích hợp nhằm giảm thiểu chúng. Dưới đây là một số các hành vi không lành mạnh hay gặp và cách vượt qua chúng:
- Quá nhấn mạnh vào các dữ liệu định lượng
Điều này có thể dẫn đến sự bỏ sót các dữ liệu định tính hợp lệ. Cách giải quyết là kết hợp các dự liệu định tính vào hệ thống đo lường hiệu suất và nhắc nhở mọi người rằng còn rất nhiều thứ khác đằng sau những con số.
- Đạt được mục tiêu nhưng bỏ qua cốt lõi
Điều này có nghĩa là sai lầm tập trung vào chỉ số KPI thay vì vào các mục tiêu chiến lược, và sau cùng sẽ có thể dẫn đến sự thiếu sót một hướng đi chiến lược. Sự kết hợp tuyên bố nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược vào trong các báo báo và hệ thống theo dõi hiệu suất, cũng như là trong các buổi xét duyệt KPI sẽ giúp nhắc nhở mọi người tập trung vào bức tranh lớn toàn cảnh.
- Thao túng dữ liệu
Các dữ liệu phi tài chính có thể sẽ bị bóp méo và do đó thể hiện một bức tranh không đúng về kết quả hiệu suất thực tế. Để ngăn chặn các dữ liệu bất thường bị cho qua, cần có một sự hiểu biết sâu rộng về các hoạt động và số liệu thống kê.
- Dữ liệu không đồng nhất
KPI cho mỗi khía cạnh của Balanced Scoreboard có thể sẽ không cùng hướng đến một tuyên bố giá trị. Trong trường hợp này, phải có một cách tiếp cận toàn diện hơn cùng với sự hợp tác từ các chủ sở hữu KPI khác nhau để đảm bảo sự vận hành nhất quán với chiến lược tổng thể.

Báo cáo
Đây là bước cuối cùng, lúc các nhà thiết kế KPI xác định cách mà KPI sẽ được truyền đạt, cho dù là trong nội bộ hay đưa ra bên ngoài.
- Người đọc và truy cập
Rất quan trọng để xác định trước ai sẽ nhận được các thông tin về KPI và phân loại họ để phân bổ cách truy cập phù hợp. Người đọc chủ đạo ở đây là những người trực tiếp liên quan đến việc quản lý và đưa ra quyết định dựa trên những KPI đã có. Người đọc thứ cấp là những người ở các bộ phận khác mà có thể hưởng lợi từ các dữ liệu KPI. Người đọc cấp thứ ba là những người thuộc các bên liên quan từ bên ngoài.
- Tần suất báo cáo
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng của từng nhóm người đọc, KPI sẽ được báo cáo theo một hướng riêng dành cho từng nhóm. Ví dụ, nếu một KPI được sử dụng để giúp đưa ra quyết định, nó phải được cung cấp thường xuyên hơn; trong khi nếu KPI đó phải có trong bản báo cáo thường niên, nó chỉ cần được truyền đạt 1 lần.
- Kênh báo cáo
Đây là những kênh được dùng để truyền đạt KPI. Ví dụ, bản báo cáo hiệu suất tháng, bản tin về hoạt động nội bộ, trang web của công ty, báo cáo cho các bên liên quan theo từng quý, v..V..
- Định dạng báo cáo
Đây là các cách trình bày hiệu suất: theo dạng số, đồ thị và bài tường thuật. Thông thường, để đạt được hiệu quả tối đa, bạn nên kết hợp nhiều định dạng với nhau. Các dạng trình bày trực quan thường có xu hướng giúp cho các thông tin trở nên dễ dàng nắm bắt và tiếp thu hơn, ví dụ như các loại biểu đồ, đồ thị, kiểu đèn giao thông, mặt công tơ mét.

Nguồn: TRG

9 cách đơn giản nhất để khích lệ nhân viên

Cụm từ khích lệ nhân viên chắc các bạn đã nghe rất nhiều, có cả những khóa học đểđào tạocông tác khích lệ nhân viên. Tuy nhiên, trên thực tế, có những việc làm rất đơn giản của nhà quản lý cũng có thể tạo sự động viên, khuyến khích đối với nhân viên. Tôi xin giới thiệu các bạn những cách ưa thích của tôi:

1. Viết lời cảm ơn hoặc khen tặng trên miếng giấy nhỏ

Bạn có thể dùng giấy sticker (miếng dán nhỏ màu vàng) viết những lời khen tặng đơn giản nhưng chân thành như "làm tốt lắm", "good job" ...Và đặt ở nơi mà nhiều người có thể xem.

2. Nói cám ơn

Bạn có thể mời riêng nhân viên vào phòng làm việc và nói "cảm ơn vì..." Chỉ như vậy và không bàn thêm bất cứ công việc nào

3. Gửi thiệp

Bạn có thể gửi 1 tấm  thiệp bất ngờ bằng đường bưu điện về nhà của nhân viên mình. Nội dung của thiệp thiết kế đơn giản, sang trọng, tinh tế, mang tính cá nhân và thể hiện những thông điệp chân thành.

4. Cung cấptài liệuhoặc những bài báo hay giúp hỗ trợ công việc

Bạn có thể gửi đường link một bài báo hay hoặc những tài liệu hữu ích nhằm gỡ rối cho nhân viên. Thông điệp truyền đi cần thể hiện "hy vọng tài liệu này có thể giúp được em"

5. Giúp đỡ

Trực tiếp giúp đỡ cũng là một cách khích lệ nhân viên hữu hiệu. Hãy cùng giải quyết những vấn đề đang vướng phải đối với nhân viên của mình. Điều quan trọng là giúp họ giải quyết vấn đề chứ không làm vấn đề cho họ.

6. Hãy có một bức tranh về phòng, bộ phận của bạn

Bạn nên chụp một bức tranh gồm tất cả những thành viên trong phòng, bộ phận của bạn (đương nhiên phải có bạn). Treo bức ảnh lớn này ở những vị trí mà nhân viên dễ xem nhất. Bức hình nên thể hiện thái độ hợp tác và đoàn kết của toàn đội.

7. Sắp xếp cuộc gặp mặt cho nhân viên gặp cấp cao hơn của bạn.

Khi nhân viên bạn có vấn đề và đã vượt tầm giải quyết của bạn, bạn có thể là cầu nối với sếp của mình để giải quyết. Tuy nhiên, có 1 cách hay không kém đó là sắp xếp cho sếp của bạn gặp bạn và nhân viên của bạn. Điều này giúp nhân viên giải quyết được vấn đề một cách tốt nhất đồng thời cũng nâng cao uy tín của bạn.

8. Hãy quan tâm đến những kỷ niệm của nhân viên

Nhân viên của bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu họ nhận được một bó hoa hoặc thiệp chúc mừng nhân kỷ niệm đặc biệt gì đó. Không nhất thiết là ngày sinh nhật, có thể là ngày sinh của con nhân viên, ngày kết hôn hoặc 1 ngày đặc biệt nào đó.

9. Xây dựng cho bộ phận mình những "danh hiệu"

Hãy xây dựng cho bộ phận mình những danh hiệu ngộ nghĩnh ví dụ như "số 1 về kể truyện cười", "số 1 về văn nghệ", hoặc thậm chí số 1 về ... Ăn nhậu. Bạn sẽ tạo không khí thật chan hòa trong môi trường làm việc của mình.

Với 9 cách đơn giản trên đây, bạn có thể bắt đầu khích lệ nhân viên mình rồi đấy

Dũng Nguyễn - Quantrinhansu.Com.Vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét